Quy trình bảo dưỡng nồi hơi

I. Quy định chung

–   Nghiêm cấm người không có trách nhiệm tự ý tháo dỡ các thiết bị phụ kiện nồi hơi.

–   Để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị, người thợ bảo dưỡng  ngoài việc tuân thủ quy trình về bảo dưỡng sửa chữa còn phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động.

–  Việc sửa chữa lò hơi phải do các cá nhân và đơn vị được pháp lý nhà nước công nhận và phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn và quy phạm về nồi hơi hiện hành.

II. Kiểm tra tổng thể trước khi bắt đầu công việc

B1: Kiểm tra tình trạng hư hỏng tổng thể nồi hơi: Hệ thống điện, van, đồng hồ đo,…

B2: Tiến hành lấy mẫu cáu cặn bám trên bề mặt của ống sinh hơi và xét nghiệm thành phần;

B3: Lập phương án sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế phụ kiện.

III. Các thao tác bảo dưỡng

B1: Tháo bích vệ sinh của các ba lông (ba lông chính, phụ)

B2: Vệ sinh buồng đốt, vách cách nhiệt…

B3: Vệ sinh cơ khí bề mặt trao đổi nhiệt phía lửa của nồi hơi

B4: Ngâm hóa chất bề mặt trao đổi nhiệt phía nước sau khi đã hút sạch bùn, kết hợp súc rửa bằng dung dịch ức chế và dung dịch trung hòa axit. Xả nước nhiều lần và tẩy rửa lần cuối cùng bằng nước nóng.

B5: Rà kín các van trên nồi hơi (áp dụng hệ số K=1,8 theo đơn giá van tương ứng).

B6: Khi áp suất hơi trong lò đạt 1-1.5 bar, mở từ từ van cấp hơi chính.

B7: Thử nén áp lực nồi hơi Pthử ³ 1,5 Pthiết kế.

B8: Kiểm tra, cân chỉnh, thử hoạt động các van an toàn.

B9: Lập hồ sơ các thông số đo đạc, kiểm tra các thông số thử hoạt động, nghiệm thu, bàn giao công trình và đưa vào sử dụng.

IV. Kiểm tra tổng thể trước khi sử dụng

B1: Kiểm tra nguồn nước và mực nước trong bồn cấp cho lò hơi;

B2: Kiểm tra tình trạng hoạt động, vị trí các van, các thiết bị phụ và đồng hồ đo;

Lưu ý: Van hơi chính phải ở trạng thái đóng.

B3: Kiểm tra  mức nước cấp vào nồi hơi (thông qua thủy sáng);

B4: Kiểm tra nguồn điện cấp cho nồi hơi và thiết bị sử dụng hơi (đủ áp, đủ pha).

V. Chế độ vận hành ổn định

–   Duy trì thông số hơi theo yêu cầu.
–   Điều chỉnh lưu lượng hơi và quá trình cháy cho phù hợp.
–   Theo dõi mức nước trong ống thủy và hoạt động của bộ cấp nước tự động.
–   Thường xuyên theo dõi áp kế (độ ổn định và giới hạn định mức)

–   Theo dõi nguồn nước và mực nước trong bồn chứa.

V. Ngừng lò

B1: Giảm từ từ lượng than, củi cấp cho lò hơi

B2: Tắt quạt hút và quạt đẩy

B3: Giảm lưu lượng nước cấp

B4: Khóa các van cấp hơi phụ tải

B5: Khóa van cấp hơi chính

B6: Khi lửa đã tắt hẳn, ngắt nguồn điện tổng cấp cho tủ điều khiển.

B7: Kiểm tra lại toàn bộ, vệ sinh thiết bị, ghi sổ theo dõi vận hành.

B8: Thực hiện các thủ tục bàn giao ca tại chỗ.

VI. Dừng lò khẩn cấp

Những trường hợp sau đây phải dừng lò khẩn cấp:
–   Lò cạn nước vượt mức cho phép.
–   Ống sinh hơi, bộ quá nhiệt, ống thủy vỡ.
–   Ống thủy bị nghẹt (tắt) nên không thấy mực nước trong lò.
–   Các đồng hồ chỉ thị bị hư hại.

Các bước dừng lò khẩn cấp:
–   Bấm chuông báo động ngừng lò ngay lập tức
–   Ngưng hệ thống cấp nhiên liệu và quạt gió

–   Cào hết nhiên liệu trong buồng đốt ra.
–   Đóng van cấp hơi chính

VII. Một số lưu ý

1. Người vận hành phải có trách nhiệm cao trong quá trình đốt lò.

2. Trong quá trình vận hành phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời xử lý sự cố (đặc biệt  là áp suất hơi trong lò và mực nước trong lò hơi – thông qua áp kế và thủy sáng).

3. Điều tiết phụ tải sao cho phù hợp với công suất của lò hơi.

4. Trường hợp tăng áp đột ngột phải tắt quạt hút, quạt thổi. Trường hợp giảm áp đột ngột phải chuyển chế độ quạt tay để thúc hơi liên tục.

5. Trường hợp nồi hơi cạn hết nước tuyệt đối không được bơm hay tìm cách cấp nước vào ngay mà phải tắt quạt, cào hết nhiên liệu đốt trong lò ra và để lò nguội tự nhiên. Khi lò đã nguội mới được cấp nước vào lò và đốt từ từ trở lại, theo dõi xem có âm thanh lạ hay không.

6. Thao tác đóng mở van phải nhẹ nhàng, từ từ. Mở van đột ngột sẽ rất nguy hiểm và gây nứt đường ống dẫn hơi.

7. Khi có bất kỳ sự cố gì xảy, người vận hành phải hết sức bình tĩnh để xử lý sự cố theo quy trình, tránh trường hợp hốt hoảng và bỏ mặc sự cố.

8. Mọi sự  cố xảy ra và cách xử lý sự cố phải ghi chép đầy đủ vào sổ giao ca, báo cáo  cán bộ quản lý nhà lò, quản đốc phân xưởng để có phương án theo dõi khắc phục, tránh trường hợp tái diễn.